Sách

N.P

Tên sách: N.P

Tác giả: Banana Yoshimoto

Tựa việt: N.P

Dịch giả: Lương Việt Dzũng


R E V I E W

Đọc quyển này sau Vĩnh biệt Tugumi nên không khỏi nảy sinh việc so sánh hai tác phẩm cùng một người viết. Và ấn tượng ban đầu, kéo dài mãi cho đến nửa quyển, là hai cuốn không hề có điểm chung nào. Nếu như trong quyển trước, là bối cảnh thị trấn miền biển mộc mạc, nhân vật cũng là những con người mộc mạc, những tình cảm giản đơn đời thường. Thì chủ đề của N.P lại rất phong phú, kì dị và khó tin, tưởng chừng như những nhân vật, những số phận và tình huống như thế sẽ khó lòng xảy ra trong đời thực, như chính tác giả đã có lời nhận xét: “nhưng tôi những muốn, trong cái vũ trụ thu nhỏ đó, chạm được nhiều nhất có thể đến những chủ đề mà tôi quan tâm: đồng tính nữ, tình dục giữa các thành viên trong gia đình, thần giao cách cảm và thấu cảm, huyền bí, tôn giáo, v….v… “

Nói cách khác, thế giới trong N.P như được bao bọc bởi những con người lạ lùng, những phức cảm và những quyết định lạ lùng. Chúng hầu như, đã có lúc gây cho bạn cảm giác, quá nhồi nhét, quá ôm đồm các chủ đề nhạy cảm vào với nhau, khi đọc, chỉ nghĩ đúng một điều ‘như thế này không thể nào xảy ra được’, từ đó hình thành một bức tường vô hình giữa tác phẩm và độc giả, không thể hoàn toàn chìm đắm vào câu chuyện để mà yêu mến hay cảm động. Đáng tiếc, từ đầu cuốn sách, mình đã có chút ác cảm như vậy.

Nhưng đến đoạn cuối, tức khi đã kiên nhẫn song hành cùng nhân vật Kazumi đến tận những dòng cuối cùng, đã lắng nghe trọn vẹn câu chuyện mà Banana muốn kể, đã theo dõi mọi thứ ngay từ điểm khởi đầu cho đến khi kết thúc, mới nhận ra N.P tuy mang dấp dáng khác hẳn với Tugumi, nhưng cái cốt lõi, cái tinh thần ẩn dấu sâu trong đó, suy cho cùng vẫn hướng về cuộc sống, về con người, về tình cảm…chứ không hề xa rời những giá trị nhân văn cơ bản nhất.

Nữ chính của sách là Sui – được khắc họa như một cô gái hư hỏng, phạm một lúc ba điều cấm kị, sống một cuộc đời khác thường và luôn chứa đựng những suy nghĩ khác thường, như tự tử, cô luôn ám ảnh về cái chết của chính mình, hay như tình yêu, cô ba lần yêu, thì cả ba đều phạm pháp, đi ngược đạo đức, và đối với nhiều người, còn không kém phần dị thường. Truyện được kể dưới góc nhìn của Kano Kazami, một nhà nghiên cứu văn học, có bạn trai đã chết vì tham gia dịch một thiên truyện mà như nhiều người, ẩn chứa cả một lời nguyền, ai dịch nó sẽ phải tự tử. Từng chút, từng chút một, Kazami lấn sâu vào thế giới xoay quanh thiên truyện đó, xoay quanh tác giả của nó – nhà văn Takase Sarao, xoay quanh cô gái nhân vật chính của thiên truyện – Sui, xoay quanh hai người con của Takase và các mối quan hệ phức tạp nảy sinh sau đó.

Trước khi Kazami xuất hiện, mọi chuyện vốn đã vô cùng rối ren và bế tắc, Sui và Otohiko yêu nhau, anh trai và em gái cùng cha khác mẹ yêu nhau, nhưng không chỉ thế, Otohiko luôn trong trạng thái nhập nhằng thiếu dứt khoát, bồn chồn và bất an với chính mối tình của mình, không đủ can đảm để bỏ trốn đến một nơi không ai biết và chung sống cùng nhau, mặc kệ phần còn lại của thế giới, nhưng cũng không đủ hời hợt để chia tay với Sui, bắt đầu một cuộc sống mới. Tình cảm giữa họ rơi vào một trạng thái lửng lơ khó chịu, không quá nhiều để yên ổn vui sống, cũng không quá ít để có thể rời bỏ, chỉ có thể duy trì ngày qua ngày, nhưng dần dần, cả thứ tình yêu giấu giếm ấy cũng dần hút cạn sinh lực của cả hai, và nhất là Sui.

Sui sinh ra vốn không có một gia đình bình thường, những người bạn bình thường và một cuôc đời bình thường, như giẫm phải một lời nguyền, thứ lời nguyền không bắt đầu từ khi Sui qua lại với Takase Sarao, mà từ khi nhà văn ấy bước vào cuộc sống mẹ con cô, can dự ít nhiều vào đó và sau này, mãi mãi thay đổi số phận tưởng chừng sẽ rất tuyệt vời, rất đáng nhớ, nếu không có Takase, không có thiên truyện thứ 98 ấy. Nên thế, thứ tình yêu tội lỗi của cô với Otohiko, bản chép tay thiên truyện, bản dịch của Shoji, quan hệ với người chị Saki, … tất cả đều rơi vào một vòng xoáy phức tạp, rối rắm và ảm đạm.

Suốt cuốn sách, là sự liên túc nhấn mạnh về một thứ lời nguyền nào đó về thiên truyện, về bản dịch, về những dòng văn tưởng chừng vô thưởng vô phạt. Thực ra, Sui đã có lời về thứ ‘lời nguyền’ này: “Khuynh hướng của nó là bắt sâu bộ rễ của mình vào từng cá thể con người, rồi hiện hình dưới bộ mặt mặt mà người ta gọi là tài năng, hoặc là khiếm khuyết. Nó bắt rễ sâu và hòa lẫn vào dòng máu chảy khắp cơ thể con người ấy, rồi làm cho họ trở thành chính họ”. Banana nói, đây là cuốn sách về huyền bí, tôn giáo,… thực ra không phải vậy, nó như một lớp vỏ bọc bí ẩn mang màu sắc fantasy, nhưng nếu diễn giải ‘lời nguyền’ theo cách của Sui thì, đó chẳng qua một thứ cốt lõi, một loại khuynh hướng nào đó trong tính cách mỗi người. Khuynh hướng dịu dàng, khuynh hướng đau buồn, khuynh hướng nhìn sự việc thoải mái và giản đơn, như Kazami, hay khuynh hướng cảm thấy mọi chuyện đều vô vọng chán chường, kể cả khi có cả một thế giới rực rỡ vây bọc mình, như Shoji,… Theo Sui thì, mỗi người sinh ra đều có một ‘lời nguyền’ nào đó vốn đã ăn sâu vào họ từ rất lâu, thứ chi phối mọi hành động quan điểm của họ sau này, thứ khiến họ tại sao cùng ở trong một môi trường như nhau nhưng lại xử sự khác nhau, thứ khiến họ trở thành chính họ.

Nhưng rồi, Kano Kazumi xuất hiện và bắt đầu can dự vào thứ ‘lời nguyền’ vây phủ cả ba – Saki, Otohiko và Sui. Kazami, vừa đủ hiểu biết lẫn liên quan để tự do thâm nhập, tìm hiểu và kết bạn cùng cả ba, vừa đủ vô can lẫn khách quan để không bị những ám ảnh xoay quanh thiên truyện ấy cuốn vào. Có thể nói, Kazami là hiện thân của thứ mang tên gọi ‘hơi thở bình dị của cuộc sống’, cô có một cuộc đời bình thường, một tình yêu bình thường và những suy nghĩ không quá dị thường như Sui, hay u ám như Shoji, hay buồn bã như Otohiko. Như Sui đã nói về cô trong lá thư của mình, bằng những từ ngữ chuẩn xác nhất: “Lần đầu tiên tôi cảm thấy thế giới chảy ào vào trong mình với dáng hình chân thật nhất của nó”. Như kết bạn, trò chuyện, như cùng Sui làm tất cả những điều hết sức vụn vặt, đời thường, nhưng lại vô tình kéo cô ấy khỏi vũng lầy quá sâu cô đã dấn thân vào, khỏi cái thế giới kì dị mà thiên truyện thứ 98 đã tạo ra suốt bao nhiêu năm, mà để cô ấy biết rằng, một thế giới bình thường, một người bạn bình thường thực sự là như thế nào.

Có thể nói, Otohiko, Saki và cả Sui đều đúng, khi nhất quyết rằng Kazami chính là cứu tinh của họ khỏi ‘lời nguyền’ của thiên truyện, nói cách khác, cô dấn thân vào thế giới ấy, nhưng không hòa lẫn vào nó, mà giúp cả Sui, cả Otohiko, nhìn vào một khía cạnh khác, tràn đầy sức sống và lạc quan, để họ biết rằng cái chết là vô ích, là ‘hoài phí’ (như từ ngữ mà Kazami đã cố gắng nói khi Sui định tự tử), mà rũ bỏ quá khứ vốn đã ám ảnh họ suốt bấy lâu (đốt mọi giấy tờ liên quan đến thiên truyện thứ 98, có một chuyến cắm trại nhỏ bên bờ biển, làm lại từ đầu). Câu chuyện của thiên truyện N.P, của nhà văn Takase Sarao đã kết thúc, nhưng những câu chuyện mới, của Otohiko, của Saki, của Sui và của Kazami, lại đang bắt đầu.

N.P, cũng như Vĩnh biệt Tugumi, ngoài mạch truyện chính về N.P, về Sui, song song đó còn ẩn chứa những đoạn đối thoại hay những câu nói tuy vụn vặt nhưng riêng rẽ, mang một giá trị độc lập so với giá trị chính, như lúc mẹ Kazumi nêu nhận xét về việc chuyển ngữ các tác phẩm văn chương với cô, hay như lúc Kazumi và Sui trèo lên sân thương khu chung cư Shoji từng sống và trò chuyện cùng nhau, … Cả quyển sách như một cuốn ‘bách khoa toàn thư’ thu nhỏ với đầy đủ những nhân vật, tình tiết mà nếu tách riêng khỏi toàn tác phẩm, cũng không làm giảm bớt nội dung của nó, hệt như các thông điệp be bé đính kèm vào thông điệp to lớn vốn trải dài khắp cuốn sách.

Như đã nói, Banana tự nhận sách của bà động chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm, nóng hổi và thời sự, nhưng sau khi đọc xong, lại nhận ra rằng tất cả chỉ đơn giản là lớp vỏ bọc, là thứ bà chỉ đơn giản dùng để lấy cảm hứng, còn lại, là một câu chuyện, không khác gì Vĩnh biệt Tugumi, dịu dàng, đằm thắm và tràn đầy nhân văn.

Leave a comment